[chitiet]Rượu Phú Lễ là một loại rượu nổi tiếng của tỉnh Bến Tre. Cùng với rượu Xuân Thạnh (Trà Vinh), rượu Gò Đen (Long An) là các danh tửu của Nam Bộ. Rượu Phú Lễ có vị rượu nồng đậm, thơm ngon và nặng đô. Rượu Phú Lễ có nồng độ khoảng 40 ~ 45 độ, khi uống có cảm giác hương vị chạy theo cổ họng cảm thấy rất hứng thú.


 Rượu Phú Lễ được sản xuất từ ấp Phú Lợi, xã Phú Lễ -Một xã thuần nông, đất đai nơi đây trù phú, mênh mông. Xã Phú Lễ còn nổi tiếng với nghề đan lát, chiến khu Lạc Địa và ngôi đình 180 tuổi. Rượu Phú Lễ thơm ngon là nhờ men, nước giếng làng, nếp trồng trên chính vùng đất này và đặc biệt là nhờ ủ nếp trong những cái tỉn đã có hằng trăm năm. Xã Phú Lễ, huyện Ba Tri được biết đến là một làng nghề nấu rượu truyền thống nổi tiếng hàng trăm năm nay. Rượu Phú Lễ có chất rượu thơm ngon, nồng đậm nhờ có nguyên liệu là hồ men cổ truyền cộng với gạo nếp đặc sản trồng ở địa phương. 

Hồ men được chọn từ 34 vị thuốc Bắc và 2 vị thuốc Nam, là những vị thuốc có tính nhiệt, nóng và thơm, gồm: trần bì, quế khâu, đinh hương, tất phát, đại hồi, sa nhân, tiểu hồi, lương cương, càng cương, bạch khấu, ngọc khấu, mai hoàng, hậu phát, thảo quả, quế chi, trạch lan, xích thước, hồng hoa, linh cừ, mật nang, tạo giác, cam thảo, son tàu, cam thảo nam, thiên niên kiện, cát cánh, bồ kết, hương truật, nhãn lòng, trầu lương, rau răm, lá nhãn, ngũ vị, tai vị, tiêu sọ, mần tưới”. Thời gian gần đây, các vị cao niên còn nghiên cứu và cho thêm vào hồ men 2 loại thuốc Nam là riềng và ớt nhằm tăng thêm hương vị riêng cho rượu Phú Lễ. 38 vị thuốc này được tán nhuyễn thành bột, trộn với bột gạo lứt rồi nhồi chung với cám, vo thành viên tạo thành hồ men.

Khi cơm đã được trộn đều hồ men, người thợ cho vào tĩn sành hoặc thùng nhựa để ủ nơi thoáng mát, hơi râm tối. Khoảng 7 đến 10 ngày sau, tùy theo thời tiết mát hay nóng, tĩn rượu ngấm men và sủi bọt, cơm rượu lắng xuống đáy, dung dịch nước biến thành màu cam nhạt, người thợ nếm thử, nước có vị chát, không ngọt là rượu đã lên men đúng độ. Còn đối với những người thợ đã có nhiều kinh nghiệm chỉ cần ngửi mùi thơm bay ra từ cơm rượu là có thể biết mẻ này sẽ trúng hay thất bại, nếu mùi bay ra hăng hăng là sẽ trúng, còn như chua thì mẻ rượu đó thì coi như bỏ. Sau đó đem nấu để lấy được loại rượu chính hiệu.
Khi nấu thành công, rượu sẽ chảy xuống nhiều, còn như thất bại thì rượu chỉ nhỏ ra từng giọt. Muốn rượu ngon phải đốt củi liu riu cho đều lửa. Nếu nhiệt độ nóng quá hoặc yếu quá, hay lúc mạnh lúc yếu không đều cũng làm cho rượu nấu thành không được như ý, đôi khi còn hư rượu.

Nhiều người cho rằng, rượu Phú Lễ có hương vị đặc biệt là do rượu được nấu bằng loại nếp dẻo cộng với chất hồ men được chế biến theo những liều lượng thích hợp và phương pháp nấu rượu theo quy trình truyền thống từ xưa đến nay. Chính rượu Phú Lễ được nấu từ những nguyên vật liệu đặc trưng của địa phương đã làm cho những giọt rượu càng thơm ngon mang hương vị đặc biệt của vùng đất và con người phương Nam.
Rượu Phú Lễ ngoài dùng để giải sầu, tiếp khách làm sính lễ… thì rượu còn được dùng để ngâm thành rượu thuốc. Trong đó, nổi bật là rượu chuối hột Phú Lễ. Chúng là loại rượu được rất nhiều người ưa thích mà đặc biệt là người miền Nam.


Rượu này được ngâm từ chuối hột khô cùng với rượu Phú Lễ. Thời gian ngâm từ 2-3 tháng thì mang ra sử dụng để uống. Rượu chuối hột Phú Lễ có tác dụng hữu ích trong việc chữa các căn bệnh về xương khớp, nhức mỏi ở người già và chúng được sử dụng cả ở hai hình thức uống hoặc bôi ngoài da chỗ đau nhức. Cùng với rượu nếp Phú Lễ, rượu chuối hột Phú Lễ là đặc sản của tỉnh Bến Tre khiến du khách say mê. Hiện nay, rượu Phú Lễ đã được đóng chai với mẫu mã đẹp, phân phối trên cả nước.
[/chitiet]

Chat với chúng tôi