[chitiet]

Rượu làng Vân ra đời từ bao giờ, hiếm có người đoán được chính xác. Chỉ biết rằng người dân làng Vân biết cách nấu rượu ít nhất cũng từ thời Triệu Quang Phục đánh giặc Lương hồi thế kỷ VI.


Tục truyền rằng, trên đường cho quân đến mai phục bên đầm Dạ Trạch, khi qua một ruộng dưa, Triệu Quang Phục đã khao quân bằng rượu làng Vân với dưa đỏ. Ngày nay, hàng năm cứ vào ngày rằm tháng tư âm lịch trước sân ngôi đền cổ ven sông dựng từ thời tiền Lê, dân làng Vân vẫn còn tục lệ mở hội thi vật, uống rượu, ăn dưa để tưởng nhớ công đức người xưa. Ở cổng làng Vân, sau này có đôi câu đối nom không biết của ai:
Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc
Chiến công như nguyệt rạng trời Nam.
“Vân hương mỹ tửu” chính là cái tên rượu làng Vân mộc mạc dân dã ngày trước. Thời Bảo Đại làm vua, rượu làng Vân đã vào tận triều đình để bá quan văn võ mở tiệc chiêu đãi Tây. Những tên quan cai trị thực dân đã một thời mê rượu làng Vân hơn cả Sâm banh. Đúng như vậy, nếu không rượu làng Vân đã chẳng được nhà nước bảo hộ cho phép công khai cất nấu với cái nhãn “ông Tiên” đầu râu tóc bạc, lửng lơ đi giữa tầng mây và được đàng hoàng cạnh tranh với hãng Phông ten của nhà máy rượu Hà Nội.
Bữa cỗ thời xưa hay đi Tết ít ra phải tìm mua bằng được mấy chai rượu làng Vân, thứ đóng chai nhãn hiệu “ông Tiên” cho lịch sự. Chẳng có thì chai không nhân, nút bằng lá chuối khô miễn là chính cống làng Vân nấu. Thứ đóng nhãn chẳng qua để quảng cáo phô trương biếu xén cho đẹp. Chẳng có ông chủ Vạn Vân đầu tư sản xuất theo kiểu công nghiệp lúc bấy giờ thì cũng không thiếu rượu làng Vân kiểu thủ công, có lẽ còn thơm ngon và chóng bốc hơn cả thứ được sản xuất hàng loạt.


Để có được rượu làng Vân thơm ngon cần trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Nguyên liệu chính để làm rượu là gạo, phải là loại gạo nếp cái hoa vàng, thứ gạo đặc biệt thơm được trồng cấy bên cánh đồng Vân Hà thuộc huyện Việt Yên, Hà Bắc. Gạo được đem nấu chín thành cơm, rồi trộn đều cùng một thứ men bí truyền của làng Vân. Rượu ngon còn phải nhờ vào men tốt, thứ men gia truyền toàn bằng các vị thuốc quí hiếm. Công đoạn này gọi là ‘‘ủ men”. Cơm rượu cho vào thúng ủ lên men sau đó bỏ vào chum ngâm trong khoảng 72 giờ, rồi đưa lên bếp nấu. Người Vân Hà vẫn luôn tự hào vì được sở hữu sản phẩm rượu nổi tiếng này. Họ cho rằng rượu Vân thơm ngon, hấp dẫn không chỉ bởi ở loại gạo nếp cái hoa vàng, hay ở thứ men gia truyền đặc biệt có 35 vị thuốc bắc, mà một phần còn vì nơi đây có nguồn nước được lấy từ các giếng khơi trong làng, nước như một thứ quà tặng của đất trời ban cho làng Vân, nước ngon, tinh khiết và rất thích hợp với việc nấu loại rượu này.  Rượu làng Vân luôn luôn ở nồng độ 45 độ trở lên. Nước đầu có thể lên tới 60 độ, nước thứ hai thứ ba cứ thế tụt bớt mươi mười lắm độ nhưng ít ai uống được nước đầu vì quá nặng. Rượu ngon vừa độ, uống êm không xốc thường pha lẫn nước đầu với nước thứ hai hoặc trộn đều cả ba nước sẽ có độ vừa phải mà vẫn thơm ngon. Cầm chai rượu nhìn thấy trong suốt, lắc mạnh vẫn còn sủi tăm, ít ra cũng phải từ 45-60 độ.  Người chế men đã giỏi giang, lại thêm người nấu rượu tài tình, cả hai nghề cha truyền con nối đó cứ thế khuôn chặt trong một cái làng nhỏ – làng Vân hàng chục thế kỷ qua, ít nơi sánh kịp. Ca ngợi rượu làng Vân chính là ca ngợi cái nghệ thuật nấu rượu ngàn đời của người làng Vân.  
Vậy nên, không những không bị mai một, mà nghề nấu rượu ở làng Vân ngày càng được mở rộng phát triển, thị trường tiêu thụ không chỉ ở trong nước mà đã xuất khẩu sang cả nước ngoài. Các con tàu cập bến Thổ Hà chở rượu Vân đi bán khắp nơi. Các loại sản phẩm rượu Vân ngày càng thêm phong phú gồm nhiều chủng loại để cho khách hàng lựa chọn, như: rượu nếp cái hoa vàng, rượu gạo tẻ, rượu sắn, rượu vodka, rượu nếp hạ thổ… Hiện nay, vì lợi nhuận kinh tế nên nhiều vùng nấu rượu không còn giữ được quy cách chế biến truyền thống như việc sử dụng các loại men từ Trung Quốc, men hóa học hay pha chế lẫn với cồn…làm người uống thường có cảm giác đau đầu, chóng mặt và khó chịu. Nhưng nếu đã một lần thưởng thức rượu làng Vân, chắc hẳn thực khách sẽ không thể quên được hương vị đậm đà, êm dịu và thơm lừng, một hương vị đặc trưng riêng của nó. Tiếng lành đồn xa, đó cũng chính là lý do mà rượu làng Vân được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Thương hiệu rượu Vân đã được ghi nhận trên mọi miền tổ quốc và một số nước trên thế giới.  
 [/chitiet]

Chat với chúng tôi