"Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say"
Theo lưu truyền tại vùng quê đất Quảng, ngày xưa, tại Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam, trong một gia đình nọ chỉ có hai cha con. Người cha luống tuổi rất thạo trồng dâu, trồng lúa và nấu rượu. Người con gái tuổi độ mười tám, đôi mươi theo cha trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa. Cô con gái họ Nguyễn, tên Hồng Đào. Cô không chỉ được bà con cô bác thương yêu về tính tình hiền thục, đoan trang mà còn nổi tiếng xinh đẹp nhất vùng. Nhờ người cha cần cù chịu khó, vừa làm ruộng, trồng dâu vừa nấu rượu để bán cho bà con hàng xóm, nên hai cha con tuy không giàu có nhưng cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Ngày ngày, vào mỗi chiều khi xong việc đồng áng, Hồng Đào vẫn chăn tằm, dệt lụa và phụ giúp cha bán rượu cho dân lành. Rượu của người cha được nấu từ gạo mới, ướp hương từ những quả đào chín mọng và được ủ trong chum sành chôn dưới đất nên rất thơm ngon. "Hữu xạ tự nhiên hương"- túp lều tranh dựa vào khóm tre bên cạnh hồ nước chiều nào cũng có khách uống rượu, đặc biệt là đám trai làng. Cánh trai làng, kể cả các làng bên đến đây vì cô Hồng Đào, một thôn nữ xinh đẹp nhất vùng... Và cứ như vậy quán nhỏ được gọi tên là Hồng Đào, và rượu Hồng Đào cũng có từ đó.


Theo kinh nghiệm dân gian, rượu Hồng Đào không những chỉ để làm thuốc bổ dưỡng máu huyết, mà còn dùng làm nước khai vị trước mỗi bữa ăn, giúp ngon miệng cho gia đình.
Lúa để nấu rượu Hồng Đào phải là lúa mới gặt chưa quá 100 ngày, bóc vỏ trấu bằng cách xay trong các cối xay bằng tre thu được hạt gạo màu trắng đục ngà xanh của vỏ cám. Trong đó, ngon nhất phải kể đến lúa Nếp Hồng trồng ở khu vực Bà Rén. Hạt cơm nấu từ gạo này để làm rượu không được nở to, bề mặt hạt cơm trơn bóng. Sau khi để nguội, trộn xơm với một ít men lá và ủ trong những chum sành khoảng một tuần sau mới đem đi chưng cất. Men rượu tự nhiên trong lá sẽ chuyển cơm thành rượu hay còn gọi là lên men có mùi thơm nồng đượm, đặc trưng của mùi gạo lúa mới còn nguyên cám. Tiếp theo, ủ tiếp rượu mới cất với quả đào chín thái mỏng trong các chum sành và chôn chum rượu dưới đất. Khoảng hơn 100 ngày mới được đào lên, rượu Hồng Đào lúc này có màu hồng đỏ óng ánh và mùi thơm rất quyến rũ.
Rượu Hồng Đào trong veo, màu hồng nhạt và có một mùi thơm rất đặc trưng. Khi đưa ly rượu lên kề môi, mùi thơm tỏa ra làm người uống không cưỡng lại được, phải uống ngay ly rượu như sợ mùi thơm quyến rũ kia bay đi mất. Khi rượu vừa chạm lưỡi, vị cay nồng tỏa lan khiến người không quen dễ bị sặc, nhưng khi rượu vừa qua khỏi cổ thì lại có một vị ngọt thanh vương vấn thôi thúc người ta uống thêm ngụm nữa rồi ngụm nữa… Cứ thế, “chén chú chén anh” la đà không thể dứt. Người sành rượu yêu rượu Hồng Đào như người ta yêu thơ hay, yêu phụ nữ đẹp. Rượu Hồng Đào vừa có cái chân chất, giản dị thôn dã vừa có sự kiêu kỳ, quan cách ngấm ngầm. Rượu Hồng Đào không kén thức nhắm. Có thể là đĩa bò xào, miếng khô cá, khô mực hay đơn giản hơn cả là đôi trái ớt đỏ. Nó cũng không yêu cầu quá cao về cách thưởng thức như một số loại rượu khác.
Nhưng rượu Hồng Đào lại kén nơi dùng. Nó không thể được dùng để khai vị trong một buổi tiệc, cũng không thể nằm trong thực đơn của một dạ tiệc theo phong cách Tây phương. Rượu Hồng Đào chỉ thích hợp trong bữa ăn dân dã của gia đình, làm cho bữa ăn thêm ngon miệng; trong lễ cưới, cúng giỗ ly rượu làm không khí thêm ấm cúng thân tình. Hoặc trong ngày lễ, ngày tết, con cháu mang cặp rượu cùng vài gói bánh về biếu cha mẹ, ông bà, làm bàn thờ ngày tết thêm màu sắc, thêm hương vị. Hay trong những đêm gió mát trăng thanh, người ta ngồi lại với nhau để khề khà đủ thứ chuyện: từ chuyện con trâu, cái cày, chuyện văn thơ đến chuyện chiến tranh tận bên kia trái đất… thì rượu Hồng Đào lại làm ấm nồng câu chuyện, làm giọng ngâm một câu thơ cũ thêm trầm lắng, âm vang…
[/chitiet]